Lần theo một trang báo dài đăng trên tờ nhật báo Indépendant của vùng Rousillon- Catalogne, miền nam nước Pháp. Bài báo tường thuật chuyến du lịch của một đoàn người gồm ba chục khách Pháp đến Việt Nam. Đoàn người này là những cha mẹ đỡ đầu cho các em bé tại làng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến tre. Họ sang Việt Nam để thăm các em đã được mình giúp đỡ, và tận mắt chứng kiến những thành quả của bà chủ tịch Hội Việt- Pháp tại thành phố Perpignan.
Tôi đến gặp bà Peel Thật, tên thời con gái là Nguyễn Thị Thật. Tôi bắt gặp một con người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, chạy qua chạy lại giữa « làn sóng » những người Tây cao lớn. Hôm nay, Hội tổ chức giới thiệu cho các bạn Pháp một số các món ăn truyền thống của đồng bằng Nam Bộ Việt nam. Đợi mãi, tôi cũng được bà dành cho vài chục phút để tâm sự.
« Tôi sinh ra ở làng Cái Mơn, một ngôi làng nghèo nàn cách thủ phủ tỉnh Bến Tre hơn ba mươi cây số… », bà bắt đầu kể. Cha bà là một nhạc sĩ nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX, Trần Văn Công. Dù nhà nghèo, nhưng có khiếu âm nhạc, và nói giỏi tiếng Pháp nên ông được các Cha xứ người Pháp đỡ đầu. Được hưởng gien từ cha, từ nhỏ bà đã chứng tỏ năng khiếu về chuyên ngành này. Nhưng với kinh nghiệm của mình, cha bà biết chỉ có châu Âu mới giúp con gái ông phát triển hết tài năng. Khi bà 17 tuổi, ông đưa cho con gái một tấm vé máy bay đi Pháp và nói : « Đây chính là gia tài cha để lại cho con, hãy cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, tích lũy tài năng để sau này có thể về giúp cho đất nước Việt Nam ta. »
Thế là thiếu nữ trẻ là bà ngày ấy đến Pháp. Thoạt đầu, bà đi chơi đàn ở khắp nơi, chủ yếu là trong các nhà thờ, đầu tiên là để kiếm tiền sống, để thăm thú nước Pháp và sau đó là để học tiếng Pháp. Sau vài năm, vùng Alsade Đông Bắc nước Pháp đã thu hút bà với vẻ đẹp thơ mộng lãng mạn của nó. Bà ghi tên theo học cao học âm nhạc tại trường đại học Strasbourg. Ra trường, bà chọn nghề dạy học, vì cho rằng nghề này vừa giúp ích cho người lại có thể chăm lo con cái được chu toàn. « Thế rồi đến năm 1975…, bà kể tiếp, có rất nhiều dân di cư tràn đến Pháp. Do thích viết lách và có đầu óc tổng hợp, tôi được các Trung tâm Xã hội vùng Alsade và Lorraine đặt viết những cuốn sách dạy và học tiếng Pháp dành cho những người Việt nam, Trung quốc, Lào, hoặc Căm-pu-chia, và các miền châu Phi... » Rồi từ đó, những cuốn sách về thống kê, họăc về các ngành nghề như các cuốn Métiers du Việt Nam, Etre Vietnamien dans la société vietnamienne… lần lượt ra đời. Bà luôn nhận được những đơn « đặt hàng » viết sách từ các ban ngành, nhưng nhiều nhất vẫn là của Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp. Bà tâm sự « Viết sách không chỉ là để viết, mà còn là phương tiện để trao đổi chia sẻ, để cho các con em Việt Nam nơi Hải ngoại thấy được, dù là mình nghèo, nhưng nếu có được một nền giáo dục căn bản, chín chắn của truyền thống Việt nam, và mình không bao giờ quên quê hương của mình… thì chính điều đó mới làm cho các bạn bè năm châu nể sợ… »
Sau hơn năm mươi năm bôn ba trên xứ sở Gaulois, bà đã từng làm việc cho Liên Hợp Quốc và Cộng đồng chung Châu Âu. Khi được hỏi về vấn đề này, bà nhỏ nhẹ : « Từ năm 1989, Liên Hợp quốc gọi tôi về làm việc trong các trại tỵ nạn, để phỏng vấn, để lập các dự án cứu trợ những thuyền nhân không chỉ của riêng Việt nam mà còn của tất cả các nước châu Á. Vào năm đó, tất cả các trại tỵ nạn đồng loạt đóng cửa hoạt động, nên Cộng đồng chung Châu Âu và Liên Hợp Quốc ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra các giải pháp giúp đỡ. Một số có khả năng đi được nước thứ ba, thì tạo điều kiện cho họ xuất cảnh, một số khác thì phải trở về Việt Nam. Cộng đồng chung Châu Âu đã rất tích cực trong vấn đề này. Tôi đã quay về làm việc tại Hà Nội năm năm liền, cho đến năm 1994, tôi trở lại làm việc cho Liên Hợp Quốc, vì thực ra, vẫn còn rất nhiều trại tỵ nạn, thậm chí là các nhà tù. Nhất là ở Á Đông, nhiều người vẫn mòn mỏi trong các nhà tù ở Thái Lan. Sau đó, tôi về Pháp, và lại được điều động đến các nước Trung Âu… » Bà cứ như chìm vào những dòng hoài niệm, tôi đánh liều quay lại với mục đích chính của chuyến viếng thăm bà ngày hôm nay của mình : Đó là hoạt động của Hội Việt Pháp do bà là chủ tịch đã gây được tiếng vang khá lớn tại thành phố nằm bên bờ biển Địa Trung Hải này. Bà hồ hởi kể hiện tại Hội vừa tổ chức thành công chuyến du lịch cho hơn ba chục cha mẹ đỡ đầu cho trẻ em Việt nam. Là người dày dạn trong các trại tỵ nạn, nên bà biết cần phải làm gì để giúp những người dân cỡ nhỡ. Hiện tại, Hội đã làm xong dự án và chuẩn bị xây cất một ngôi trường khang trang trên mảnh đất Cái mơn. Bà ngậm ngùi kể : « Sau hơn năm mươi năm bôn ba xứ người, tôi trở về làng thì nó vẫn nghèo như vậy, chỉ có thêm được con đường tráng nhựa, điện thì mới mắc được hai năm, bà con vẫn phải dùng nước mưa hứng từ mái tranh. Hội muốn xây dựng một ngôi trường và một Trung tâm xã hội để các phụ nữ trong xã có thể đến gửi con mà an tâm đi làm, và các cháu có một nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng, và có nguồn thức ăn tốt, có một nền giáo dục hợp lý thuần Việt. Có nơi khám sức khỏe cho chị em phụ nữ và các cháu bé… » Hội đã đỡ đầu cho một số trẻ em (10 em) mỗi tháng là 20 Euro (tương đương 500.000 đồng việt nam). Hiện tại, bà cho biết thêm, Hội cũng đã tổ chức được một lớp tiếng Pháp tại quê nhà, vì đây, bà tự hào nói, là cái nôi của Trương Vĩnh Ký (Nhân vật này rất nổi tiếng tại Pháp trong thời kỳ xa xưa và cho đến tận bây giờ) thì phải phát triển tiếng Pháp chứ ! các cháu đã có thể hàng tháng viết thư thăm hỏi và kể những thành tích cho các cha mẹ nuôi. Khi được hỏi những công việc bà đang thực hiện, ngoài những ủng hộ của bà con, bạn bè thân hữu, thì bà có được hưởng trợ cấp gì của các cơ quan đoàn thể chính quyền của Pháp. Bà vui lòng nói luôn : « Hiện giờ, tôi đang làm việc tích cực với Ủy ban hành chính thành phố Perpignan để xin thêm trợ cấp. Hội đã được một ông Nghị sĩ - Thị trưởng thành phố Pollestres, tên là Daniel Mach thương thuyết trích cho một khoản tài trợ hàng tháng ». Mỗi lần khi Hội tổ chức tết hay các ngày lễ trọng đại của Việt Nam, thì Ủy ban thành phố không chỉ giúp tài chính mà còn giúp các mặt khác như cho mượn bàn ghế, địa điểm và các trang phục dụng cụ để tổ chức đêm nhạc. Khi tôi rụt rè hỏi về gia đình thì bà vui vẻ nói:
Bà sinh được ba người con, các con bà đều nói thạo viết thông tiếng Việt, thậm chí cả đứa cháu ngoại 5 tuổi cũng nói tiếng việt liến láu. Còn ông chồng người Anh Collins Peel của bà là giáo sư đại học và nhà văn thì khi thấy vợ và các con cứ « ăn cơm nhà, vác tù và… » lo cho Việt Nam thì lúc đầu cũng không hơi bằng lòng, nhưng là người yêu văn học, đất nước và con người Việt nam, nên cuối cùng ông cũng bằng lòng để cho bà làm việc. Bà trầm xuống như tâm sự : « Tôi thật buồn khi thấy những đứa trẻ Việt sinh ra ở đây mà không nói được tiếng Việt. Tôi thấy cha mẹ chúng đang để mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá mà không biết… » Mắt bà rạng ngời khi nói về những dự án, những ý định bà muốn giúp đỡ mảnh đất thương yêu của bà tại Việt nam mà tôi thấy vui lây. Giữa mảnh đất tràn đấy ánh nắng và gió tramontane thổi không ngừng kia, có một trái tim hồi hộp đập. Đất nước Rồng Tiên tưởng như xa thế, nhưng cũng thật gần gũi. Khi được hỏi bà muốn nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ Việt Nam đang sống ở Hải Ngoại, thì bà nhắc lại câu nói xa xưa của cha bà : « Tôi muốn các em học hỏi, trau dồi kiến thức, tụ tập hiểu biết rồi đem tài năng về phục vụ quê hương ! »
Những đóng góp của bà, theo bà nói thật nhỏ nhoi, nhưng phải làm cho tốt, làm đúng, làm thật, chỉ có sự thật mới tồn tại được lâu. Thật đúng như cái tên của bà : Nguyễn thị Thật, người con của làng Cái Mơn yêu thương.
Paris 05 tháng sáu năm 2008
Hoàng Hà(Hieu Constant)