Những người già thật kỳ lạ. Họ lên tiếng như những người thành đạt kẻ cả, vỗ đầu, vuốt lưng và bảo chúng tôi: phải ngoan, đừng làm những trò ngu ngốc, đừng lao ra đường, đừng nghĩ suy gì hết, hãy sống đúng với cái tuổi của mình.
Đó là lý lẽ của những kẻ cần kìm hãm và khiến đứa trẻ thiếu tự tin phải lùi lại. Im lặng và sợ hãi. Sự im lặng như một lời hiệu triệu: Tất cả chúng ta hãy im lặng, rồi tất cả sẽ ngoan.
Cuộc sống – đúng với bản chất khốc liệt của nó – biến người ta thành một chấm đen mỏng dính trong vũ trụ không tên gọi. Tuổi trẻ có gì? – Mình ăn no, lớn lên như bong bóng, mình im lặng và … chết đi.
Nhưng có một thứ quý giá mà tất cả đám người muốn che tai, bịt mắt không nhìn thấy (hoặc lừa đám trẻ con cho chúng khỏi thấy): Đó là tri thức.
Sự hiểu biết nhân lên gấp nhiều lần khi một người trẻ trung nói về mối quan tâm của họ, đọc về điều họ chưa biết, truy tìm kiến thức mà họ bị giấu đi. Sự tò mò không giới hạn biến người trẻ thành “cái gai” sẵn sàng nhô lên như dao nhọn, đâm vào cuộc sống và hút lấy tất cả những điều họ yêu quý, trân trọng.
Tôi đã gặp những người trẻ thức 20 giờ/ngày bên dự án riêng của họ, với niềm tin vô hạn nó sẽ thành công. Có những ánh mắt trong veo đã chinh phục từng trường đại học, đi khắp thế giới, chỉ để nói về một thứ duy nhất họ quan tâm: sự an toàn của trẻ em. Có những cô gái 17 tuổi, viết hàng ngàn trang tiểu thuyết, chỉ để tập luyện cho cái thú vui đam mê những nhân vật họ theo đuổi. Có những anh chàng xắn quần, chăn bò, thức đêm trong trại chăn nuôi, nói như si mê về những kết quả họ nhìn thấy từ tháng ngày khó nhọc gầy dựng tất cả trên những gì cha mẹ đã dạy họ. Có người đã cầm cây lúa lấm lem bùn lầy, mang theo ước vọng không giới hạn, một ngày nào đó nhìn thấy chú, bác nông dân gần nhà mình sẽ giàu có, no đủ từ giống lúa mình học được đâu đó xa xôi.
Những ước vọng ấy là khởi nguồn đầu tiên của tự do, khi một người trẻ ý thức thật sự về điều họ cần, họ muốn, về những người họ muốn giúp, vì một xã hội mà họ tin rằng sẽ tốt đẹp hơn – qua chính công sức và nỗ lực họ bỏ ra. Niềm tin ấy thơ ngây đến xót lòng, rõ nét và khiến tất cả những ai còn vương vấn điều tốt đẹp, cảm thấy cần phải làm việc cùng với họ.
Người ta mong chờ gì từ đường phố sạch với những gã đàn ông nhổ nước bọt? Ai dám tin xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi cha mẹ lót những cọc tiền vào tay thầy cô để con mình trở thành học sinh giỏi? Người ta mong chờ gì ở tương lai khi thầy cô nhận tiền để dúi vào tay học trò một bài giải thi tốt nghiệp bệ rạc? Ai có thể tin rằng xã hội sẽ bớt ngột ngạt hơn khi người đàn bà giàu có ép thầy cô phải trừng phạt một đứa trẻ con nghèo, vì nó dám đánh nhau với con bà? Ai nghĩ rằng sẽ có thay đổi, khi chẳng ai thèm thay đổi gì?
Có lẽ đã đến lúc, phải tìm một ai đó để mong chờ. Như đứa trẻ 17 tuổi áo rách, vai gầy, mặt sạm nắng đang thơ ngây học ngoại ngữ. Thằng con trai chăn bò đang dịch tài liệu chống bệnh cho bò ngay trong căn bếp thơm mùi than cỏ - thay đổi thứ kinh nghiệm mà cha anh chưa bao giờ biết đến. Cô gái nhát như cáy nhất định không chịu chụp ảnh vì “em xấu lắm” – một ngày nọ đã đọc luận văn về an toàn cho trẻ ngay trong một huyện nghèo mà cô đi khảo sát cho những “người Tây” xa lạ sẽ đến và giúp đỡ những em bé cô quen. Thế giới thay đổi từ những điều nhỏ nhất, những hành vi đơn giản nhất và những con người dám mở mắt ra, ngắm nhìn thế giới và không im lặng nữa.
Ai có thể buồn nhiều hơn cho những vụ giết người, thực phẩm gây ung thư, hay một cảnh ăn mày dàn dựng có lý? – Thật u tối. Hãy để chúng cho những người già – rảnh – và buồn theo cách đẹp. Tri thức không nằm ở nỗi sợ và lời than trách, nó đang tràn lên trong tim người trẻ trung nhất. Họ bận rộn học, bận rộn yêu, tận hưởng tuổi trẻ và ngày qua ngày thực hiện những gì tri thức đã dạy họ. Họ sống tự do, yêu tự do và đang chiến đấu vì tự do nhiều hơn bất cứ kẻ già nua nào đang lầm bầm chửi rủa thế giới.
Sẽ đến một lúc nào đó, như tôi đi ra đường, ngây dại đứng nhìn một bạn đang đứng trong khu phố của mình với một thùng sách, tặng từng quyển cho đứa trẻ bán kẹo sing-gum đi qua. Em bảo tôi, em muốn chúng có truyện đọc, giống như đống truyện này cha đã mua cho em. Tri thức xứng đáng được lan ra, như virus càng tốt, lan ra như những vòng nước chảy. Hoặc như một buổi chiều nọ, tôi gặp nhà phi hành của NASA, một em học sinh lớp 10 chạy lại hỏi ông: Cháu muốn thi vào ngành vũ trụ, muốn đi bộ trong không gian, cháu sẽ học cái gì?
Khi vũ trụ nằm trong lòng bàn tay và nhen lửa trong trí óc những đứa trẻ, kẻ bịp bợm đừng hòng tước đoạt tự do của họ - tự do trong ý nghĩ – trong suy tư – và trong cách thay đổi thế giới gần bên họ.
Ta làm gì có thứ gì để mất, ngoài cái tuổi trẻ quá đỗi ngắn ngủi này…
Trong khi ấy, những kẻ già chết nhát, vội vàng bảo mình im lặng và ngoan hiền.
Thật nực cười.
Khải Đơn*
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết tự do đang sống và làm việc tại TP.HCM.