Venturi với lời phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng của diện tích mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng, sự hài hoà giữa lịch sử cổ điển và văn minh đương đại đã thổi một luồng gió mới vào tư duy và hành động của nhiều kiến trúc sư và các nhà thiết kế trên thế giới.
Cuốn sách “Sự phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc” của Robert Venturi ra đời năm 1966 ớ New York đã gây một tiếng vang mạnh mẽ trong giới kiến trúc thế giới. Trong các thập niên 50 và 60, kiến trúc Hiện đại đã có những thành tựu vang dội thế giới như những công trình Đơn vị ở tại Marseilles, Nhà thờ Ronchamp, Quy hoạch thành phố Chandigarh bang Punjab với Tòa Quốc hội, Điện Tư pháp… thuộc hàng kiệt tác kiến trúc hiện đại thế giới của Le Corbusier. Những kiệt tác của Mies van der Rohe như Khoa Kiến trúc học viện Illinois, những ngôi nhà ở chọc trời ở Chicago và đỉnh cao là Ngôi nhà Seagram Building (1958) ở New York; những kiệt tác cuối đời của Frank Lloyd Wright như Tháp thí nghiệm của hãng Johnson Wax, Nhà chọc trời Price Tower, Bảo tàng Guggenheim; những kiệt tác của Oscar Niemeyer trong thành phố Brazil xây dựng theo quy hoạch của Lucio Costa. Cùng thời điểm này, Chuyển hóa luận, trào lưu kiến trúc hiện đại Nhật Bản với nhiều kiệt tác nổi bật như của Kenzo Tange ra đời… Tuy vậy cũng chính trong 2 thập niên này đã xuất hiện sự phản kháng kiến trúc Hiện đại thế giới, vào những năm 60 sự phản kháng này càng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, trên các diễn đàn kiến trúc thế giới và được biểu hiện trong các sáng tác của nhiều kiến trúc sư thế hệ sau.
Cuốn sách của Venturi đã đóng góp một công cụ sắc bén phê phán kiến trúc Hiện đại và tạo điều kiện cho trào lưu Hậu – Hiện đại ra đời và phát triển. Người ủng hộ Venturi cũng nhiều mà người phản đối cũng lắm – Vincent Scully - Giáo sư Đại học Yale viết về cuốn sách … “Có thể xem nó là lý thuyết kiến trúc quan trọng nhất sau cuốn “Hướng về một nền kiến trúc” (Vers line Architecture) do Le Corbusier viết năm 1923″ và “tôi tin chắc rằng tương lai sẽ xếp tác phẩm này vào số một trong những bài viết cơ bản của thời đại chúng ta”. Scully cho rằng: “Đây là một cuốn sách khó chịu, nó dành cho các kiến trúc sư đang hành nghề và rất quan tâm đến những vấn đề thị giác, không dành cho những kẻ thích nhắm mắt lại vì sợ bị sốc bởi những gì mình nhìn thấy”, tư tưởng của Venturi dã dấy lên một sự tức tối mãnh liệt trong các bộ óc hàn lâm nhất của thế hệ Bauliaus - những người hoàn toàn thiếu óc hài hước.
Vậy thì nội dung lý thuyết của Venturi thế nào?
Trong bản dịch cuốn sách ra tiếng Pháp ông dùng nhan đề “Về sự nhập nhằng trong kiến trúc”, nhan đề này đã nói lên tư tưởng chính của lý thuyết mà ông đặt ra. Bản thân Venturi, với tính bộc trực thẳng thắn đã nói về quan điểm của mình khi viết cuốn sách này: “Ngày nay người ta có xu hướng đào tạo nên các kiến trúc sư “cổ lỗ” hoặc hoàn toàn phát ngán, và kiến trúc là một hiện tượng quá phức tạp để cho những người thường giữ gìn một cách cẩn thận sự ngu dốt của mình đề cập đến”…Cuốn sách là một gáo nước lạnh mà mục tiêu tập trung vào sự hẹp hòi của kiến trúc Hiện đại và Quy hoạch đô thị chính thống, và đặc biệt, vào các kiến trúc sư tiêu thụ những cái nhàm chán viện cớ vào sự lương thiện, vào kỹ thuật hay việc chương trình hóa trên máy tính điện tử”… “Là một nghệ sĩ, tôi xin nói thẳng thừng rằng, trong kiến trúc tôi thích cái gì - Các tác phẩm phức tạp và đầy mâu thuẫn”.- Venturi nói
Phương pháp của Venturi khi trình bày lý thuyết của mình là phân tích và so sánh. Cuốn sách gồm 11 đề mục (tạm gọi là 11 chương): 10 chương đầu trình bày lý luận phát triển dần lên. Chương cuối cùng giới thiệu các công trình của tác giả bao gồm 12 công trình trong đó có những phương án kiến trúc, những công trình đã được xây dựng và những công trình còn trên bản vẽ, những phương án dự thi, cái làm một mình, cái làm với các cộng tác viên, nhiều nhất là với John Rauch và Denise Scott Brown (sau này là vợ ông). Những công trình được thiết kế và xây dựng kể từ năm 1957 đến năm 1966, đây đồng thời là năm ra đời của cuốn sách. Trong chương đầu tiên: “Tuyên ngôn nhỏ về một loại kiến trúc mập mờ”, ông đã tuyên bố ngay từ những dòng đầu tiên: “Tôi thích kiến trúc phải phức tạp và mâu thuẫn”, “cái mà tôi muốn nói là một loại kiến trúc phức tạp và mâu thuẫn tạo nên trên sự phong phú và nhập nhằng của cuộc sống hiện đại và hoạt động nghệ thuật”. Theo ông, kiến trúc cần phải phức tạp và mâu thuẫn ngay cả khi nó muốn thỏa mãn cả 3 yếu tố của Vitruve là tiện nghi, vững chắc và đẹp – ông khai thác yếu tố mập mờ, chấp nhận cái phức tạp và mâu thuẫn nội tại và do đó chống lại kiến trúc Hiện đại với chủ trương “tinh khiết” ông viết: “Các kiến trúc sư không có một lý do gì để bị đạo lý và ngôn ngữ khắc khổ của kiến trúc Hiện đại chính thống dọa nạt lâu như thế”.
Quan điểm của Venturi biểu lộ thật rõ ràng qua những lời sau đây: “Tôi thích những vật lai tạp hơn là “thuần khiết” xuất phát từ sự thỏa hiệp hơn là từ những bàn tay sạch sẽ, “quái dị hơn là thẳng thắn thành thực”, nhập nhằng hơn là rõ ràng khúc chiết, trái ngược cũng như là thiếu cá tính, chán ngắt cũng như là quyến rũ, theo quy ước hơn là “độc đáo”, dễ dãi hơn là “độc đoán”, rườm rà kiểu cách hơn là đơn giản, vừa cổ vừa kim, mâu thuẫn và mập mờ hơn là rõ ràng và sáng sủa. Về sự hiển nhiên của tính đồng nhất thì tôi lại thích sự lộn xộn của cuộc sống”, “… tôi thích những thứ có mọi nghĩa phong phú hơn là cái có mọi nghĩa rõ ràng”. Với “cái này hay cái kia” thì tôi ưa “cái này và cái kia”, với trắng hay đen tôi ưa trắng và đen và đôi khi màu xám”....
Tiếp theo Venturi phê phán các thủ lĩnh của kiến trúc Hiện đại là không chú ý đến sự phức tạp mà chỉ say mê những cái đơn giản, sơ cấp, cố gắng cắt đứt với truyền thống. Ông phê phán Frank Lloyd Wright đã đưa ra câu châm ngôn: “Cái sự thật chống lại thế giới” và câu giải thích của Wright: “Sự khám phá ra tính đơn giản đối với tôi có tầm cỡ to lớn và những công trình cho tôi thấy dường như hài hòa hơn và tôi bị thuyết phục rằng chúng sẽ làm thay đổi và phong phú thêm tư tưởng trong nền văn hóa của thế giới hiện đại”. Venturi phê phán Le Corbusier là người sáng lập thuyết “tinh khiết” (purisme) đã vứt bỏ sự nhập nhằng trong kiến trúc. Le Corbusier đã ca ngợi “những hình sơ cấp lớn lao” và tuyên bố “sự rõ ràng và không nhập nhằng” trong cuốn sách nổi tiếng “Hướng về một nền kiến trúc” năm 1923.
Venturi lại phê phán Mies van der Rohe qua khẩu hiệu kì diệu “Less is more” (ít là nhiều). Ông cho rằng Mies đã khiên cưỡng đơn giản hóa vấn để trớ thành chủ nghĩa đơn giản và không phù hợp với thực tế cuộc sống. Ông viết:“Sự đơn giản hóa ồn ào như vậy tạo nên một loại kiến trúc vô vị- “less is a bore” (ít hơn là một buồn tẻ)”. Paul Rudolf, một kiến trúc sư lớn của trường phái Thô mộc (và của trào lưu Hậu – Hiện đại sau này) năm 1961 đã giải thích ý nghĩa sâu sắc, ngầm hiểu trong khẩu hiệu “less is more” của Mies. Đó là các kiến trúc sư thế kỉ XX lựa chọn những vấn đề để giải quyết chứ không phải là tìm cách giải quyết những vấn đề đã được đặt ra. Venturi nhận xét: “Những công trình tuyệt vời của Mies là tài sản chung quý giá của kiến trúc, nhưng chúng bị hạn chế bởi cái đổng thời làm nên sức mạnh của chúng, nghĩa là nội dung và cách diễn dạt của chúng đã bài trừ lẫn nhau”.
Venturi lại phê phán cái mà Minoru Yamasaki – kiến trúc sư Nhật Bản, tác giả của ngôi nhà sinh đôi- Trung tâm Thương mại ở New York gọi là “trong sáng”. Ông cho rằng đó là một chủ nghĩa hình thức mới. Cái phức tạp giả tạo cũng xa lánh cái hiện thực như sự sùng bái tính đơn giản mà nó thay thế. Những hình thức rối rắm của nó không thật sự phản ánh nhiệm vụ thiết kế phức tạp. Venturi nhận xét về Aalto là “cái phức tạp mà Aalto làm chi là sự ham muốn diễn đạt mà thôi”. Ngôi đền mà Aalto xây dựng ở Imatra không ngoạn mục như những nhà phê bình ca ngợi.
- KTS Robert Venturi
- Venturi với lời phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng của diện tích mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng, sự hài hoà giữa lịch sử cổ điển và văn minh đương đại đã thổi một luồng gió mới vào tư duy và hành động của nhiều kiến trúc sư và các nhà thiết kế trên thế giới. Ông cùng vợ ông – KTS Denise Scott Brown trong thời điểm hiện tại đang đứng lên đấu tranh cho nữ quyền trong kiến trúc với những tuyên ngôn sâu sắc, có tiếng vang rất lớn trong nền kiến trúc ngày nay.
KTS Thái Vũ Mạnh Linh - tổng hợp