“Active and ambitious! Hãy chọn lấy một mục đích, nó có thể là mục đích duy nhất của đời bạn”

“Active and ambitious! Hãy chọn lấy một mục đích, nó có thể là mục đích duy nhất của đời bạn”
“Active and ambitious! Hãy chọn lấy một mục đích, nó có thể là mục đích duy nhất của đời bạn”

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

HỘI NHẬP & ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC: TINH HOA HAY ĐẠT CHUẨN ?

INTEGRATION & EDUCATION ARCHITECTURE: ELITE  OR STANDARD?

Arch. Thai Vu Manh Linh/ Saturday, December 10, 2016

Over the years, Vietnam Architecture received multicolor from the architectural cultural achievements of domestic and foreign with the approach of many architecture companies leading global  such as SOM, Niken Seikei, Hyder, Salvador Pérez Arroyo partners,… together with those things was the boom many Vietnam architectural office at the prestigious Architecture Award in the world such as Vo Trong Nghia Architects, a21studĩo, MIA Studio, 1+1>2,… In many competitions and prestigious architectural exhibition in the world as WAF (Return – The storage of Natural Life of Ho Chi Minh City University of Architecture won highest award in 2014), in FuturArc Competition Architecture students of Vietnam also affirmed their qualification to spend a lot of great prizes. That proved that: Vietnam are rapidly integrating with the global architecture. However, this figure was too low compared with the number of architects graduation per year , it shows, we need to have sharp corner analysis to clarify the difference on because we are facing a transition opportunity..
_____________________________________________________________

HỘI NHẬP & ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC: TINH HOA HAY ĐẠT CHUẨN ?

Bước vào thời đại toàn cầu hóa và sự bùng nổ của kỷ nguyên của công nghệ thông tin, các quốc gia trên thế giới rất dễ dàng để xích lại gần nhau hơn. Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập với mục đích hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, nâng cao cơ hội hợp tác, khả năng cạnh tranh cao của các quốc gia trong khu vực. Việt Nam là một trong 10 thành viên của AEC. Sau đó, ngày 4/2 năm 2016, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký. Việc trở thành thành viên AEC và TPP mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các ngành, các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực Kiến trúc tại Việt Nam.


Trong những năm qua, Kiến trúc Việt Nam đón nhận đa sắc màu từ những thành tựu văn hóa kiến trúc trong và ngoài nước với sự tiếp cận của nhiều công ty kiến trúc hàng đầu thế giới như SOM, Niken Seikei, Hyder, Salvador Pérez Arroyo và cộng sự,…cùng với đó là sự bùng nổ của nhiều văn phòng kiến trúc Việt Nam tại các giải thưởng Kiến trúc uy tín trên thế giới như Vo Trong Nghia Architects, a21studĩo, MIA Studio, 1+1>2…Không dừng lại đó tại nhiều cuộc thi và triển lãm kiến trúc uy tín trên thế giới như WAF (Return – The storage of Natural Life của ĐH Kiến trúc Tp.HCM giải cao nhất năm 2014), FuturArc sinh viên kiến trúc của Việt Nam cũng khẳng định trình độ của mình khi dành rất nhiều giải thưởng lớn. Điều đó đã minh chứng rằng, Việt Nam đang hội nhập một cách anh chóng với nền kiến trúc toàn cầu. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với lượng Kiến trúc sư ra trường mỗi năm, điều đó cho thấy, cần có góc phân tích rõ nét để làm rõ sự chênh lệch trên bởi chúng ta đang đứng trước một cơ hội chuyển mình.






Công trình Fahouse đạt giải thưởng WAF 2015

Đào tạo kiến trúc: Không “tinh hoa”, nhưng phải “đạt chuẩn” ?

ThS.KTS Trần Tuấn Anh
Giảng viên bộ môn KTDD, Khoa KT&QH trường ĐHXD
Kiến trúc nói chung và KTS nói riêng là một lĩnh vực, ngành nghề có đặc thù riêng, cần có quá trình hình thành, đúc kết kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế nhiều hơn.
Vậy nên, theo kiến giải cá nhân và những kinh nghiệm trong thực tế đào tạo, cũng như trong quá trình làm nghề, sử dụng nhân sự, đồng thời xét về nhu cầu nguồn lực trong thực tiễn, thì việc xác định đào tạo một đội ngũ hành nghề kiến trúc đáp ứng được những tiêu chuẩn “tinh hoa” ngay sau khi ra trường là bất cập. Nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo KTS hiện nay cần có sự rõ ràng về tiêu chí: KTS ra trường cần được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về nghề nghiệp, được hướng dẫn để hiểu rõ các phương pháp và có được những kỹ năng cần thiết cho công việc trước mắt, đồng thời chú trọng khả năng tự học cũng như tự hoàn thiện bản thân.
Chính vì vậy, tôi không chọn việc đào tạo KTS “tinh hoa”, cũng không chọn KTS theo tiêu chí “tốt” , mà sẽ là một đội ngũ KTS “đạt chuẩn”. Tất nhiên, những “chuẩn” này sẽ cần có những tiêu chí chính xác và cụ thể, không chỉ dựa trên sự đánh giá theo góc nhìn từ phía nhà trường hay cơ sở đào tạo, nó cần có sự tham gia từ xã hội, hay cụ thể hơn là từ góc độ của những đơn vị sử dụng nhân sự, và cả những cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc cấp chứng chỉ hành nghề – Hiện nay đang được thực hiện “chung chung” mà chưa có sự phân cấp rạch ròi và phù hợp với thực tiễn “hoà nhập” với quốc tế.
ThS.KTS Đặng Thanh Hưng
Giảng viên ĐH Kiến trúc TP HCM, NCS tại ĐH Huddersfield – Vương quốc Anh
Tôi đi học đại học ở Việt Nam, đi làm nghề, đi dạy và làm thạc sĩ và NCS ở nước ngoài, cộng lại cũng 14 năm. Lấy hình ảnh của bản thân để đối chiếu và nhìn nhận khách quan về việc đào tạo kiến trúc, tôi thấy rằng việc đào tạo sinh viên (SV) kiến trúc ở Việt Nam có nhiều thay đổi nhưng chậm, thiếu sự bứt phá, và thiếu định hướng rõ ràng. Điều đó dẫn đến suy nghĩ rằng: Chúng ta đang hội nhập rất chậm.
Chúng ta đang có nhiều trường đại học kiến trúc khác nhau trong một thành phố và trên cả nước. Các trường sẽ làm gì, định hướng phát triển như thế nào để thu hút, đào tạo SV và cung cấp nhân lực cho xã hội? Các trường cần có sự đầu tư nghiêm túc để cho ra những KTS làm kiến trúc tốt hay làm kiến trúc tinh hoa? Dựa vào đây, chương trình đào tạo sẽ được triển khai phù hợp. Lưu ý rằng, một thiết kế tốt, một công trình tốt không phải chỉ có vai trò của KTS làm tinh hoa hay KTS làm kiến trúc tốt.
Chúng ta đang đào tạo KTS chung chung và có khả năng làm nhiều thứ. Đầu vào của chúng ta lại dựa vào điểm chuẩn. Học sinh có điểm đầu vào cao, là những học sinh giỏi sẽ học những trường tốt như ĐH Kiến trúc TP HCM (ví dụ). Trong khi những học sinh ở lớp thứ hai sẽ chọn các trường thấp hơn. Như vậy làm sao có thể phân loại từ đầu vào nhóm nào là dành cho tinh hoa, nhóm nào là kiến trúc thuần túy khi các trường có nội dung đào tạo như nhau, chất lượng giảng viên có thể khác nhau. Thực tế cho thấy, tại một công ty kiến trúc thì số lượng KTS làm ý tưởng luôn ít hơn so với vị trí KTS khác.
ThS.KTS Võ Hữu Linh
Giảng viên khoa Kiến trúc ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, GĐ Công ty Kiến trúc và Nội thất VHL
Thực ra, việc đào tạo SV có khả năng làm kiến trúc tốt – hay là làm kiến trúc tinh hoa tôi nghĩ trường nào cũng mong muốn.
Trong chương trình đào tạo, thực ra hai vấn đề này đều có thể. Tuy nhiên, do chương trình đào tạo tại Việt Nam đã cũ, chưa bám sát được sự thay đổi nhanh chóng của thế giới và tập trung quá nhiều vào kiến thức rộng, không chuyên sâu, nên ở góc độ SV, các bạn khó nhận diện được hai vấn đề trên. Trong khi đó, nói đến sự tinh hoa là một khái nệm khá mơ hồ, đòi hỏi KTS phải lao động vất vả, thật sự yêu nghề mới có thể chiêm nghiệm được.

Chọn Kỹ năng – Thái Độ hay Nhận Thức?

Hiện nay, Việt Nam có hơn 20 trường đào tạo về Kiến trúc – Quy hoạch, mỗi năm xấp xỉ 10.000 KTS ra trường. Con số này giảm sút đáng kể sau 1-2 năm hành nghề. Có khoảng 5-7% KTS hành nghề tư vấn thiết kế mỗi khóa sau 3-5 năm tốt nghiệp (thống kê của kienviet.net năm 2015-2016). Bên cạnh đó, lượng KTS lại tập trung quá nhiều ở các thành phố lớn do cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, số ít còn lại về các tỉnh, chủ yếu làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Nhận thức và thái độ về nghề KTS có sự thay đổi, xáo trộn, dẫn tới việc SV Kiến trúc lựa chọn học các kỹ năng bên ngoài, các kỹ năng đó gần như mang tính quyết định việc họ sẽ làm gì sau khi ra trường.
Cao Thị Hoài Nhân
SV lớp 13Q2 – trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Sau quá trình theo học tại trường và thực tập tại một số văn phòng kiến trúc, em nhận ra có 3 điều quan trọng mà mỗi SV cần trang bị cho mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Đó là: Thái độ, Kiến thức và Kỹ năng.
Thái độ làm việc quyết định 70% sự thành công. Khi bạn vừa mới ra trường hay bắt đầu thực tập ở các văn phòng kiến trúc, chắc chắn lượng kiến thức và kinh nghiệm không thể nào chuyên nghiệp được như những người đã làm việc lâu năm. Và điều cần thiết lúc này là học hỏi và nghiên cứu. Chính thái độ làm việc đúng đắn sẽ giúp bạn tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hơn. Đó là thái độ làm việc cầu tiến, ham học hỏi, không ngại khó khăn và dám chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm…
Tiếp theo, các kiến thức chuyên ngành như: Nguyên lý thiết kế, nguyên lý cấu tạo; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nghị định; khả năng triển khai ý tưởng, hồ sơ bản vẽ,… hiện nay ít được sinh viên coi trọng, nhiều bạn quá sa đà vào các phần mềm thiết kế diễn họa và quên mất tư duy, tính toán thiết kế mới thực sự quan trọng. Ngoài ra, mỗi SV cần trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ trợ như: kỹ thuật điện, nước, kinh tế xây dựng…
Thứ 3, SV kiến trúc cần trang bị cho mình những kỹ năng như: Kỹ năng sử dụng phần mềm tin học Autocad, 3dsmax, photoshop, sketch up,… và một số kỹ năng mềm khác như kỹ năng thuyết trình, quan sát, tư duy, sáng tạo; kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý công việc. Tuy nhiên, không nên quá sa đà vào những kỹ năng này mà cần biết điều chỉnh sao cho phù hợp trong quá trình học tập và làm việc.
Maddie MacDowell/Maddie MacDowell tại góc thiết kế của mình
SV ngành Kiến trúc – Khoa học xã hội và Lịch sử Nghệ thuật tại Hobart and William Smith Colleges (Hoa Kỳ) Thực tập sinh tại Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu và làm việc tại đây, tôi nhận thấy, SV Việt Nam chưa tích lũy nhiều kiến thức mang tính liên ngành hoặc đào sâu các chủ đề mang tính quốc tế trong quá trình học tập. Bởi kiến trúc chỉ là một mắt xích nhỏ trong một tổng thể của ngành xây dựng, kinh tế, khoa học, xã hội,… các ngành này dù có ngôn ngữ riêng nhưng vẫn có điểm chung. SV cần phải biết được thứ mà mình thực sự cần, thực sự muốn làm. Biết được điều đó, chúng ta sẽ biết phải học gì, làm gì và tìm hiểu những gì.
Đào Duy Tùng
Lớp KTT – Trường ĐH Xây Dựng
Kỹ năng nghề nghiệp là yếu tố quan trọng đối với SV kiến trúc, bao gồm kiến thức và kinh nghiệm, điều mà SV trau dồi. Thông qua các đồ án môn học, các dự án SV được tham gia trong quá trình đi làm thêm hay qua những cuộc thi trong nước và quốc tế…
Là một SV chuẩn bị ra trường, tôi cũng đã học hỏi và trang bị cho mình một phong cách làm việc chuyên nghiệp nhất, có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Đặc biệt, với ngành kiến trúc luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Qua quá trình học tập và thực tập tại các văn phòng kiến trúc, tôi cũng đã học hỏi thêm về khả năng làm việc nhóm cũng như làm việc độc lập, cách giao tiếp với đồng nghiệp, cách đàm phán và thuyết phục đối phương hay việc thuyết trình về sản phẩm của mình, việc quản lý quỹ thời gian của bản thân sao cho hợp lý.

Hội nhập kiến trúc quốc tế: Cần một cuộc cách mạng từ giáo dục?





Các KTS tại Văn phòng MIA Design Studio

KTS Đặng Thanh Hưng
Giảng viên ĐH Kiến trúc TP HCM, NCS tại ĐH Huddersfield – Vương quốc Anh.
Chúng ta cần một cuộc cách mạng giáo dục”!
Ở đây, không thể so sánh tuyệt đối giữa đào tạo trong nước và nước ngoài bởi vì nền tảng khác nhau về văn hóa, con người. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra một số ý kiến cá nhân để thấy được nhiệm vụ của chúng ta trong cuộc cách mạng đào tạo đó:
  • Hãy để các trường tự do làm nên tên tuổi thông qua chương trình học và định hướng đào tạo. Nhà nước sẽ quản lý và đánh giá chất lượng;
  • Các chương trình học cần phải thay đổi lấy mục đích đào tạo làm trung tâm;
  • Đem đến sự phong phú trong các môn học và đồ án để SV chọn lựa theo khả năng và đam mê. Ví dụ, thay vì một học kỳ chúng ta có 1 đến 2 đồ án, tất cả SV làm giống nhau. Các đồ án sẽ được nâng dần theo năm, dựa trên qui mô và mức độ. Thay vì vậy, chúng ta nên có nhiều đồ án ở nhiều thể loại cùng mức độ trong một học kì, và SV sẽ chọn. Điều đó cũng sẽ làm giảm áp lực lên giảng viên;
  • Có cơ sở vật chất cho SV: Thư viện, phòng học và làm đồ án, phòng máy vi tính được sử dụng 24/7, phòng workshop để cắt mô hình, chụp hình, nghiên cứu về ánh sáng, gió, âm thanh… Hiện nay, chúng ta học “chay” quá nhiều, các phòng học kiến trúc không có gì khác biệt với học các môn học đại cương. Khi tôi học ở nước ngoài, tôi thực sự rất thương tôi và các em SV của mình. Chúng ta có tố chất, kỹ năng, tư duy nhưng lại thiếu môi trường để phát triển, và thiếu một không gian để trau dồi;
  • Nguồn tài liệu – Một khó khăn lớn là chúng ta có quá ít sách tiếng Việt trong nghiên cứu và trong học tập. Đa phần sách học và nghiên cứu về kiến trúc là tiếng Anh. Làm sao để giảng viên và sinh viên tiếp cận nguồn sách này? Có 2 cách: Một là tiến hành dịch sách, hai là đào tạo Anh ngữ nghiêm túc. Đa số SV học kiến trúc ở Việt Nam có trình độ Anh văn rất yếu kém;
  • Đội ngũ giảng viên: Kiến thức, thái độ trong đào tạo;
  • Các hoạt động cho SV: Workshop, hội thảo, cuộc thi kiến trúc trong nước và quốc tế. Các trường đại học nên quan tâm và tôn trọng những hoạt động này. Dưới sự quan sát và kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động học thuật cho SV kiến trúc trong nhiều năm, tôi nhận thấy rằng chúng ta chưa quan tâm và trân trọng những giá trị này từ sinh viên. Vì vậy, chúng ta đang có thái độ rất hời hợt. Điều này ngược lại với các trường ở nước ngoài, sinh viên và kết quả mà SV gặt hái được luôn là phương thức quảng bá và làm nên tên tuổi tốt nhất.

Chiếc chìa khóa vàng để hội nhập quốc tế

KTS Mitsuyoshi Shingu
Vo Trong Nghia Architects | NCS Viện Công nghệ Tokyo Manabu.
Theo quan điểm của tôi, SV hoặc các KTS tại Việt Nam chưa nên tham gia quá sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, điều quan trọng hơn cả là các bạn hãy làm nổi bật “tính địa phương”. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, vì thế để tiếp cận tri thức của nhân loại là việc hết sức dễ dàng. Sự khó khăn nằm ở chỗ các bạn đang sống trong bối cảnh xã hội nơi mà các bạn phải làm chủ, các bạn hiểu rõ nơi này hơn ai hết, vậy sao phải đưa quá nhiều yếu tố quốc tế vào trong khi các bạn với nền văn hóa từ lâu đời lại hiếm khi đưa ra sử dụng? Hãy khảo sát kỹ những gì các bạn có và thay đổi những quy trình làm việc lỗi thời, bởi điều đó cực kỳ quan trọng.
ThS.KTS Trần Tuấn Anh
Giảng viên bộ môn KTDD, Khoa KT và QH trường ĐHXD:
Hành trang đầu tiên để hội nhập quốc tế là ngoại ngữ. Khi những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu về nghề của KTS Việt Nam đang chứng minh được rằng chúng ta có đà tăng trưởng tốt, thì ngoại ngữ chính là chìa khóa để chúng ta thực hiện bước nhảy một cách chuẩn xác hơn, đúng luật hơn.
Thứ hai, là kỹ năng đàm phán và làm việc nhóm: Với đặc trưng công việc cần có sự tương trợ, hợp tác và cần có thái độ xây dựng rất cao với những ngành nghề khác, bộ môn khác (hay đơn giản là giữa các KTS với nhau), khi hội nhập quốc tế chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có được kỹ năng này.
Thứ ba là hiểu biết xã hội: Vốn kiến thức thực tế và hiểu biết rộng, đặc biệt là những hiểu biết xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa,… sẽ là những yếu tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp của một KTS.
Với ba “chìa khóa” nêu trên, SV kiến trúc Việt Nam sẽ có điều kiện để mở những cánh cửa rộng hơn, con đường hành nghề kiến trúc còn rất nhiều gian truân phía trước.

Chuẩn chung – Sắc thái riêng

Có thể nói, vấn đề của hội nhập kiến trúc không chỉ là ngoại lệ với cộng đồng KTS Việt Nam, mà cần có sự gắn kết mật thiết với các ngành nghề khác. Tuy vậy, việc đào tạo Kiến trúc ở Việt Nam luôn có những lợi thế đặc thù, và điểm rõ nét nhất chính là truyền thống văn hóa. Các trường có bề dày kinh nghiệm và công tác đào tạo luôn có hướng đi riêng và đang cập nhật những chương trình mới hàng ngày. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa với việc thu hút các NCS được đào tạo tại nước ngoài quay về làm việc, tham gia nhiều dự án thiết kế thực tế trong và ngoài trường. Chính vì lẽ đó, hãy vạch ra những bước tiến hợp lí và đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và xu hướng chung của thế giới, đạt chuẩn theo sự công nhận của quốc tế mà hơn cả là giữ được sắc thái riêng.

Tài liệu tham khảo:
– Sách “101 things i learned in architecture school” – Tác giả: Matthew Frederick.
– Bài viết “Những điều trường Kiến trúc không dạy bạn” – Archdaily 2013.
– Sách “Văn hóa Kiến trúc” – GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính.
– “Phê Bình Kiến trúc” – PGS. KTS Đặng Thái Hoàng.
– Bài viết “Vì sao phải rời bỏ nghề Kiến trúc?” – Archdaily 2012.
KTS Thái Vũ Mạnh Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét